Tự Chủ

Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu xét đoán sự việc rất đúng. Chị không tự cao tự đại. Chị em tin chắc những lời chỉ dẫn của Chị thật khôn ngoan và cân nhắc. Không bao giờ xử sự cách vội vã nên Chị hoàn toàn tự chủ. Chị khuyên chúng tôi đừng bao giờ thổ lộ mệt nhọc, cám dỗ hay đau khổ cho Chị lúc chúng tôi không đủ can đảm chờ đợi. Chị vẫn sẵn sàng nghe, nhưng bảo:

“Chị em đừng phân giải ngay cả với Mẹ Bề trên những khó khăn mình gặp để mong hết phiền phức, nhưng hãy trình bày vì coi đó là một bổn phận và hãy làm cách vô tư. Khi chị em không thấy mình thanh thoát, trong lòng còn xúc động, chị em nên yên lặng và chờ đợi cho tâm hồn lắng dịu xuống. Bằng không thì việc thổ lộ tâm tình chỉ làm tăng thêm khó khăn”.

Không gì làm Chị xúc động và bối rối. Đe doạ, bách hại, tai ương ở đời chỉ làm cho Chị thêm tươi vui. Vẻ mặt Chị luôn phản chiếu sự bình an trầm tĩnh. Chị cũng muốn thấy các chị nhà tập bình tĩnh như thế, chẳng hạn, Chị không thích chúng tôi hay cau mày nhăn trán, vì sự ấy chứng tỏ một lo âu nào đó.

Hôm lễ quan thầy của Mẹ Bề trên, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu đóng vai Jeanne d’Arc đứng trên đống củi, xuýt bị thiêu sống vì một bất cẩn, nhưng Mẹ Bề trên ra lệnh đứng yên trong lúc các chị khác dập tắt lửa sắp bén đến chân chị.

Sau này Chị kể lại, lúc đó Chị vẫn bình tĩnh giữa nguy hiểm, sẵn sàng hiến mạng sống cho Chúa. Nếu xảy ra điều gì không may, Chị sẽ tu sửa lại với dáng điệu điềm tĩnh tuyệt vời. Vào Dòng Kín được ít lâu, tôi đánh đổ mực lên tường và trên sàn nhà, tôi hốt hoảng chạy tìm Chị, miệng kêu rối rít:

- Lẹ lên Chị ơi.

Tôi tưởng Chị sẽ chạy như bay đến chứ!

Vì luôn tự chủ nên Chị không thể nhịn cười khi thấy vẻ mặt hốt hoảng, nhất là khi thấy chiếc lúp lụa dính lơ lửng trên chiếc lúp Nhà tập của tôi.
 Chị tươi cười nhìn tôi và êm ái bảo:

- Chị đừng buồn, em sẽ lo chùi mực cho chị. Chiếc lúp của chị làm em nghĩ đến lớp mực chị đã nói với em, nhưng em sẽ tẩy sạch cho chị.

Rồi lấy những đồ dùng cần thiết, Chị lau hết mực cho tôi. Còn tôi, tôi rất cảm phục sự bình tĩnh của Chị, nhờ đó, Chị luôn an bình khi gặp khó chịu. Tuy thế, Chị rất buồn khi gặp một lỗi nghịch đức nghèo khó như lúc đánh vỡ một vật gì chẳng hạn.

Trong năm Chị qua đời - vào ngày 2 tháng 2 năm 1897 - khi giúp bàn nhà cơm, Chị đụng mâm đồ ăn vào miếng kính ở bàn và làm vỡ miếng kính. Vì lúc đó đã đau nhiều nên Chị không thể nén xúc động và tôi thấy Chị khóc.

Sau bữa ăn, tôi vừa gặp Chị nhặt những mảnh kính vỡ vừa an ủi Chị, nhưng Chị bảo:

- Hôm nay em đã xin Chúa một đau khổ lớn lao để kính Thánh Théophane Venard, người anh quý mến của em. Hôm nay là ngày kỷ niệm Thánh trẻ chịu tử đạo. Hy sinh Chúa gởi đã tới. Em không chủ ý chọn vì như vậy là trái đức nghèo khó, mà vì là lỗi vô ý, nên em dâng cho Chúa như một hy sinh thơm tho vậy.

 

Dụng Cụ Của Thiên Chúa

Vì tôi coi Têrêsa nhỏ như lý tưởng và tôi nóng lòng muốn bắt chước Chị, nên tôi thường thổ lộ với Chị như thế. Trước mỗi băn khoăn tôi giãi bày, Chị đều tìm cách trả lời sao để tôi nhận ra sự thật, vì tôi bị lôi cuốn theo những hào nhoáng bên ngoài.

Tôi bảo Chị:

- Chị thấy rõ Chúa yêu Chị cách đặc biệt, vì Chúa đặt Chị hướng dẫn các chị nhà tập và để Chị được yêu mến cũng như kính trọng, vì mọi người trong Dòng đều tìm tới Chị và yêu Chị cả.

Chị trả lời:

“Điều đó đối với em không quan trọng, Chúa nghĩ về em thế nào thì em là như thế. Còn sự người ta yêu em hơn vì Chúa đặt em làm người hướng dẫn và làm ‘thông ngôn’ cho Chúa nơi vài chị nhà tập, thì em nghĩ ngược lại: Như vậy là Chúa đặt em làm tớ gái nhỏ của các chị. Chính vì các chị mà Chúa cho em được duyên dáng nhân đức bên ngoài như thế chứ không phải vì em đâu!

Em thường ví mình như đĩa sữa nhỏ cho mèo con đến liếm. Mấy chú mèo con thường giành nhau xem chú nào được uống nhiều. Nhưng ngoài kia, ngay bên cạnh, Chúa Giêsu vẫn rình xem! Ngài phán: ‘Ta muốn các ngươi liếm trọn đĩa sữa nhỏ của Ta, nhưng Ta canh chừng kẻo các ngươi làm đĩa bị lật đổ mất’.
Tuy phải canh chừng, nhưng thật ra đĩa sữa khó mà bể được vì nó nằm sát mặt đất… các Mẹ Bề trên cũng đầy ơn Chúa để thông truyền cho người khác, nhưng các ngài như ở trên bàn, sợ nhiều nguy hiểm hơn, vì vinh dự luôn kèm theo bất trắc. Chúa đổ sữa trên đĩa nhỏ của Ngài tuỳ các chị cần nhiều ít, sao các chị lại có thể bảo sữa dành cho đĩa thay cho các chị? Sữa không có lợi cho em mà cho các chị đó”.

- Đúng thế, nhưng đây là dấu Chúa tin cậy Chị. Chị chiếm chỗ quan trọng trong khi tận tuỵ như vậy. Thật Chúa tin tưởng nơi Chị!

- Chúa ơi, chị không hiểu chị nói gì hết! Nói theo kiểu người ta thì Chúa yêu ai Chúa dành cho riêng Ngài người đó. Chẳng hạn Chúa có hai bình hương, Ngài giữ một cho mình, còn một Ngài để toả hương cho thụ tạo thưởng thức, thì bình nào được yêu quý hơn?

Chúa có nhiều thúng nhỏ xinh xắn, Ngài giữ chiếc này trong nhà kho và đặt chiếc khác trên tủ hàng để lôi cuốn khách qua lại. Chúa trang điểm nào vải màu hồng, nào màu thiên thanh trên những thúng này: Chúng có vẻ thanh lịch hơn, nhưng thật ra giá trị vẫn thế. Những thúng để trong tủ cũng thanh lịch hấp dẫn mà có khi còn thanh lịch hấp dẫn hơn, vì muốn cho thúng đặt ở ngoài luôn tươi thắm thì hầu như Chúa phải làm phép lạ vậy. Chị lại muốn như những chiếc thúng đưa ra trưng bày sao?

- Đâu có, đâu em muốn thế, nhưng vì Chị được thì em cũng ước ao được như
Chị.

- Phải, nếu em được những ơn đặc biệt, chị cũng không nên ham vì muốn như thế cũng có tội nhẹ đấy105.

Tôi liền tỏ vẻ buồn và đỏ mặt trả lời:

- Thật khó lòng để không mơ ước được vậy. Em thú thực đó là chuyện trẻ con, nhưng nếu em nhận được những ơn đặc biệt, mà Chị không có, em cũng muốn mình không có, vì em rất tin tưởng vào đường lối Chúa vạch cho Chị.

- Linh hồn không thánh thiện chỉ vì làm dụng cụ cho Chúa! Người hoạ sĩ có thể dùng bút này hay bút khác tuỳ nghi. Sao dùng bút này bỏ bút kia? Không phải vì bút kia không phải là bút, mà có khi còn là bút tốt hơn nữa, nên không có chi tăng thêm cho cây bút được Thầy Chí Thánh dùng tới cả.

- Vậy khi nào mới phụng sự Chúa?

- Khi nhận biết chân lý này là không gán cho mình sự gì, không đánh giá cái này hơn cái kia và hướng mọi sự về Chúa106.

Với ngọn lửa yếu ớt sắp tàn, người ta có thể gây nên cơn hoả hoạn, thì Chúa cũng dành bất cứ kẻ nào Ngài muốn để mở rộng nước Ngài. Một cuốn sách tầm thường, và ngay cả sách thế tục cũng có thể dùng vào việc đó được. Vì thế khi Chúa thương dùng tới, không bao giờ ta được tự kiêu! Chúa không cần ai cả.
Tuy vậy tôi còn nhấn mạnh:

- Nhiều lần Chúa dùng Chị để soi sáng cho em. Còn Chị thì lại được Ngài nói thẳng với.

- Đó không phải là dấu tỏ Chúa yêu em hơn. Em đã nói với chị là Chúa dùng em như tên nữ tỳ của chị. Thật vì chị mà Ngài nói cho em điều này điều kia.
Trong trường hợp đó, em phải thua kém chị mới phải. Chúa chỉ dạy ta qua sách vở, hoàn cảnh bên ngoài, và nhiều khi còn qua cả đồ vật nữa. Này, tất cả đều giúp ích cho ta cả.

Cũng thế, qua một vài vị thánh mà ta được ơn gì, thì ơn đó vinh dự cho ta hơn cho các ngài. Chúa tôn vinh các ngài vì ta, các ngài là kẻ hầu hạ ta. ‘Phải, thực mọi sự thuộc về ta, mọi sự dành cho chúng ta cả’107.

 

Thánh Thiện Và Vinh Quang

“Nhiều vị thánh ta biết được vì các ngài ở gần ta hơn, nhưng không có gì chứng tỏ các ngài là những vị lẫy lừng nhất. Cũng như ta chỉ xét đoán tinh tù tuỳ theo chúng xa hay gần ta, còn thực sự chúng tốt đẹp ra sao, chỉ mình Chúa biết. Có những ánh sao có vẻ bé nhỏ, hay lắm khi ta còn không trông thấy chúng nữa, nhưng lại huy hoàng hơn cả những vì sao ta gọi là ‘thuộc độ lớn nhất’.

Trên trần có nhiều điều ta không hiểu được. Thường các linh hồn càng lên cao bao nhiêu thì càng bị người chung quanh coi thường bấy nhiêu. Như quả banh càng lên cao, càng nhỏ, sự thánh thiện càng cao vời càng bị coi khinh. Biết  thế, ‘sao chúng ta còn cầu cạnh cái vinh quang giữa chúng ta với nhau’108.

Chưa chắc các vị thánh được tuyên phong là những vị cự phách. Chúa làm
người ta chú ý đến các ngài để Chúa được tôn vinh và nên bài học cho ta hơn là cho các ngài. Em đã đọc câu này “tình yêu các thánh mến thương nhau trong cõi đời đời không đo lường bằng sự cao cả hay trình độ vinh quang của các ngài, mà tuỳ theo thiện cảm các ngài đối với nhau. Chúng ta có thể yêu các linh hồn nhỏ bé bằng tình yêu lớn hơn tình yêu đối với các linh hồn khác thánh thiện hơn. ‘Tư tưởng đó lôi cuốn em’.

Ta có tin rằng các thánh được tuyên phong được nhiều người yêu nhất không? A! Ở đời có ai yêu mà không vụ lợi? Vị thánh nào được yêu chỉ vì ngài? Người ta ca tụng, viết tiểu sử, sửa soạn lễ lạy huy hoàng với những nghi thức long trọng. Họ bảo nhau ‘chúng ta hãy đúc chuông dâng kính ngài’ và họ đi đi lại lại quanh bức thảm quý giá, cãi nhau vì gặp trắc trở, hay vui mừng khi không có gì trái ý. Đám đông đó kêu la hỗn độn, bầu khí sửa soạn cháy lên bầng bầng. Rồi nào đàn hát, nào giảng thuyết… nhưng còn chính thánh nhân chẳng ai nói tới hết. A! Phần em, em muốn ẩn mình còn hơn chỉ được vinh quang nửa vời. Chúa khen ngợi việc em làm thế là đủ.

Các thánh không trở nên thánh vì người ta nhận ra thế, và các ngài không lớn hơn vì người ta đã viết ‘tiểu sử’. Do một vị thánh khác, vị thánh xa lạ, mà người ta được làm công kia việc nọ hoặc ngài đã soi sáng hướng dẫn ta, hay chính ngài đã làm cho các linh hồn được ơn Chúa do việc ta làm: nào ai biết! Sau này ta sẽ thấy bao nhiêu việc lạ lùng! Có khi em nghĩ mọi điều em được ngày nay biết đâu không là hậu quả của lòng mong ước của một linh hồn nào đó!

Vì thế, vinh quang thuộc về một mình Chúa, chúng ta chỉ khao khát một điều là miễn sao Chúa được vinh quang, còn vinh quang đó tới do ta hay kẻ khác là điều không quan hệ. Định giá trị các thánh theo như ta nghĩ về các ngài thì thật là ảo tưởng. Biết bao nữ tu Dòng Kín thánh thiện chỉ có những bảng tiểu sử 109 viết vụng về nên không ai kính trọng, trong khi nhiều người khác sống tầm thường lại được người đời quý mến vì Mẹ Bề trên đã khéo tả về các chị.

Không bao giờ em khao khát vinh quang mỏng manh như thế. Có khác gì chuyện xổ số. Và nếu các thánh trở lại cho ta biết ý các ngài về những gì ta viết liên quan tới các ngài, ta sẽ phải hết sức ngỡ ngàng… Sẽ nhiều lần các ngài không nhận ra mình nơi bức chân dung diễn tả tâm hồn các ngài nữa110.

Ở đời có ai biết rõ ta và hoàn toàn yêu ta không?

Phần em, em chỉ muốn được yêu ở trên trời. Thật mừng khi nghĩ rằng trên đó mọi người yêu em, ngay cả những người ít yêu em nhất dưới thế này. Giờ đây ta yêu các thánh vì ta hơn là vì các ngài, vì khi yêu các ngài thì ta được ơn lành, ta được lợi lộc.

Mọi sự có thể ngang nhau ở đời này… Ta khen vị thánh này trong tiểu sử ngài vì ngài không bị xác thịt cám dỗ. Vị khác, ta lại khen ngài chiến thắng những cám dỗ đó… Đâu là vinh quang? Thực ra ở khía cạnh nào cũng đáng khen cả!…

Vinh quang trần thế thực chả là gì hết. Các nghệ sĩ chẳng hạn, hay tranh giành danh dự của nhau. Kẻ khác vì không biết đến tác phẩm của họ, nên không lưu ý tới. Họ chỉ có một số ít người mộ điệu và họ điên rồ thoả mãn vì điều đó. Vinh quang thánh thiện bên ngoài cũng thế. Thật ít người biết ngưỡng mộ, yêu mến và ham đọc hạnh thánh.

Mọi người đều bị thói ghen tương chi phối. Mầm ghen tương đã nẩy nở ngay từ hồi thơ ấu. Thánh Augustinô kể chuyện hai đứa nhỏ có cùng một vú nuôi, khi đứa này thấy đến lượt mình bú, thì kêu la giận dỗi, nhưng nó cũng không bú thêm được lấy một giọt sữa nào cả.

Thực tình, em không bao giờ tìm kiếm danh dự. Em thích được khinh rẻ. Nhưng như vậy cũng còn là vinh dự, nên em say mê được quên lãng”.
Tuy thế, Chị bảo cái đẹp, cái cao cả, hoàn hảo cũng lôi cuốn Chị như lôi cuốn tôi. Chị cũng thấy có cảm giác như bị lưu đày và thấy buồn chán khi tưởng mình hèn kém không được quý mến khen ngợi như kẻ khác.

Tôi hỏi xem Chị chiến thắng cảm giác này thế nào, thì Chị khiêm nhượng trả lời:

“Em chịu đựng và cố gắng yêu sự hèn kém của mình… nhờ thế, em lại được an bình êm dịu!”.

 

Khao Khát Chết

Chị Têrêsa luôn trực giác thấy sẽ chết trẻ, nên Chị khinh chê những cái mau qua.  Khi muốn biết trình độ yêu mến Chúa có thay đổi không, Chị thường hỏi xem cái chết còn lôi cuốn Chị như trước không. Hôm nào được nhiều may mắn hay quá vui, Chị cũng thấy là gánh nặng, vì làm cho Chị bớt khát khao chết.

Chị bảo tôi:

- Làm sao em lại sợ chết được? Em làm mọi việc chỉ vì Chúa thôi mà! Có người nhận xét: “Chị sẽ chết vào một ngày lễ…”.

Chị liền trả lời:

“Em không cầu chết vào ngày lễ, vì ngày em chết là ngày lễ trọng nhất cho em rồi”.

 

Phần Thưởng Nước Trời

Để tôi an lòng về hạnh phúc vô biên trên Trời, Chị thường lặp đi lặp lại với tôi là Chúa sẽ xếp đặt mọi sự hoàn hảo đến nỗi chúng ta không thể phân bì nhau được.

Để chúng tôi xác tín như vậy, Chị thường lấy tỉ dụ nơi những sự kiện nhỏ nhặt xảy ra bên Chị.

Thấy tôi đang cố gắng cắm những bông hoa giả sao cho nổi bật cả những bông nhỏ lên, và tô lại những bông hoa cũ để cắm hoa xong, không ai nhận ra đó là những bông hoa cũ khi trước, Chị bảo đó là thí dụ điển hình về việc Chúa trang điểm linh hồn ta sau khi đã đưa ra khỏi cảnh khốn cùng. Sau này ta sẽ thấy vị đại thánh được nổi bật lên là nhờ có những vị thánh bé nhỏ, cũng như các vị thánh bé nhỏ trở nên cao trọng nhờ phản chiếu vinh quang của những vị đại thánh.

Chị say mê bài Phúc Âm những người thợ làm việc trong giờ sau cùng cũng được trả công như người đã làm suốt ngày 111. Chị bảo:

“Chị thấy chứ? Nếu ta tín thác nơi Chúa, luôn cố gắng trong mọi việc và cậy trông nơi lượng từ ái Ngài, thì ta sẽ được ân thưởng như các vị đại thánh cả”.

              Một chị ban cho tôi con búp bê, tôi tặng lại Mẹ Bề trên nhân dịp lễ Người. Các chị em biếu nhiều món thật xinh xắn, nhưng Mẹ sung sướng hơn cả trước kỷ niệm đơn mọn tôi biếu Mẹ. Chị Têrêsa bảo tôi:

“Các thánh cũng xử sự với ta như thế. Các ngài là bậc đàn anh, các ngài cho ta thứ này thứ nọ và ta sẽ thấy mình được giàu có.

Những chị em làm những hộp đựng xương thánh rất mỹ

thuật, những vật đáng giá và tỉ mỉ, chẳng khác gì những vị thánh đã để lại cho hậu thế những sự nghiệp và tác phẩm đáng kể. Tuy thế, con búp bê nhỏ bé chị tặng đã lôi cuốn
nhiều chú ý… đó lại là thứ đồ chơi nhỏ người ta cho chị! Chị không có chi hết!”.


 

 

 

103 Ms. A, fol. 83 r0

104 Trong bài thơ: Sống tình yêu (vivre d’amour).

105 Cf. Thánh Gioan Thánh Giá: Linh hồn muốn được mạc khải, ít là đã phạm tội nhẹ. Maximes et Avis spirituels, la Foi, n034.

106 Cf. Lời sách Gương Phúc: Trong con có gì hay tốt, con cũng đừng tưởng là của con, hay trong ai có nhân đức nào con cũng đừng tưởng là của riêng họ, con hãy quy hướng mọi cái về Chúa, vì không có Chúa, người ta chỉ có tay không (Q. III, ch. 9).

107 Thánh Gioan Thánh Giá - Prière de l’âme embrasée de l’amour divin.
108 Jn V,44

109 “Tiểu sử” nguyên văn là circulaire. Danh từ này dùng để gọi những sử lược trong tu viện về từng nữ tu sau khi qua đời. Nhưng không phải mọi Nhà Kín có thói quen viết circulaire như thế.

110 Đọc một số tiểu sử có nhiều chi tiết mơ hồ hay dư thừa. Chị vui vẻ nói với chị Geneviève: “Các thánh trên trời đều là bà con với em cả. Khi về trên đó, em sẽ đi chào các ngài và xin các ngài kể chuyện đời mình cho em nghe, nhưng cần là đừng dài dòng! Chỉ trong nháy mắt thôi”.

 

 111 Mt 20,1-16

r